TP HCM ghi nhận F3 thành F0: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

Jun,03,2021 08:59:41

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố ghi nhận rất nhiều trường hợp là F2, F3 thành F0.

 

Lãnh đạo Bệnh viện Q.Gò Vấp cho biết bệnh viện vừa có ca F3 thành F0 đến bệnh viện khám sức khỏe trước đó.

Cụ thể, bệnh nhân L.N.A.T (30 tuổi, ngụ P.12, Q.Gò Vấp) là nhân viên văn phòng một công ty ở Q.5. Bệnh nhân còn làm giao hàng bán thời gian cho một ứng dụng.

Ngày 31/5, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm do tiếp xúc với bệnh nhân F2 nhiễm Covid-19. Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 29/5, từ 9 giờ đến 9 giờ 30 phút, bệnh nhân T. đi khám sức khỏe xin việc tại Bệnh viện Q. Gò Vấp nhưng không khai báo dịch tễ đầy đủ, sau đó về nhà.

Theo BS Trương Hữu Khanh – BV Nhi đồng 1, TP HCM - việc F3 hay F4 trở thành F0 hoàn toàn bình thường vì có thể người này đã là F0 từ đầu nhưng quá trình truy vết thì họ ở vị trí F3.

Theo BS Khanh điều này xảy ra bởi vì virus đã có ở cộng đồng và chúng ta chưa biết được ai là người mang virus. Đối với người dân, bất kể ai cũng có thể là người mang virus.

TP HCM ghi nhận F3 thành F0: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

Lấy mẫu xét nghiệm tại TP.HCM

Hiện nay, BS Khanh cho rằng bản đồ Covid-19 tại TP HCM rất phức tạp nên cần đẩy mạnh xét nghiệm, chắc chắn xét nghiệm nhiều ca mắc sẽ tăng.

Tại TP HCM cũng ghi nhận nhiều ca F2 thành F0. Theo TS BS Võ Xuân Sơn, có nhiều lý do khiến F1 âm tính nhưng F2 dương tính. TS Sơn đặt ra 4 giả thuyết:

Thứ nhất, xét nghiệm cho F1 bị âm tính giả.

Thứ hai, xét nghiệm cho các F2 bị dương tính giả.

Thứ ba, F1 chưa được "thăng hạng" lên F0 do chưa có kết quả xét nghiệm, trong khi đó thì F2 đã có kết quả dương tính. Có thể các F2 được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả trước, trong khi F1 được lấy mẫu và cho kết quả sau.

Thứ tư, cách sắp xếp F1, F2 bị sai. F2 có thể là F1, lây ở nguồn F0 khác.

BS Khanh cho biết hiện nay nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng rất lớn, đặc biệt tại các công ty, tòa nhà văn phòng bởi vì đây là khu vực làm việc đóng kín cửa, môi trường không thoáng gió, sử dụng máy lạnh trung tâm, không gian làm việc giữa các cá nhân khó đảm bảo khoảng cách.

Việc lây nhiễm chéo giữa các tầng là điều hoàn toàn có thể xảy ra do đi chung thang máy, phòng họp, phòng nghỉ, căng-tin, phòng tủ khóa cá nhân, khu vực chờ, bãi đỗ xe… vì những nơi này đều là không gian kín chật hẹp. Đặc biệt là nguy cơ tiếp xúc giữa các nhân viên càng cao vào những giờ cao điểm đi làm hoặc tan tầm.

BS khuyên tăng cường lưu thông không khí ngoài trời càng nhiều càng tốt bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào và sử dụng quạt tại phòng làm việc, phòng họp; không tập trung quá 10 người trong 1 phòng làm việc; luôn mang khẩu trang trong quá trình làm việc, hội họp; tăng cường công tác vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.

Các công ty cũng cần thực hiện khai báo y tế theo quy định, lập sẵn danh sách tất cả nhân viên, người lao động để thuận lợi trong truy vết phòng chống dịch.

 

By: xahoi.com.vn

    Tags:
  1. F3 thành F0
  2. Covid-19

TP HCM ghi nhận F3 thành F0: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân - TIN TỨC