65 tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đến hết 15-9. Những bức tranh thể hiện tình yêu say đắm của bà dành cho vùng đất Tây Nguyên, nơi bà đã gắn bó gần 40 năm.
Họa sĩ Xuân Thu bên tác phẩm của mình - Ảnh: HỒ LAM
Sáng 6-9, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM diễn ra buổi khai mạc triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.
Triển lãm diễn ra từ 6-9 đến hết 15-9.
Tây Nguyên đẹp, dễ thương và bình dị lắm!
Gắn bó với vùng đất Tây Nguyên gần 40 năm, miền đất này đã dần chạm và thấm vào trái tim của nữ họa sĩ xứ Huế Hồ Thị Xuân Thu.
Bà yêu cái đẹp từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt... của Tây Nguyên theo một cách chân thực, tự nhiên nhất, để rồi bà quyết định vẽ về vùng đất này.
TIN LIÊN QUAN
Nghe kể chuyện làng mình là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một cô gái Huế, có sự cách biệt.
Tâm sự cùng Tuổi Trẻ Online, bà Thu nói: "Đây là một series tranh mà tôi sáng tác trong vòng 20 năm.
Qua triển lãm này, tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng: Tây Nguyên đẹp, dễ thương và bình dị lắm!...
Họ có tính cộng đồng rất cao. Nếu bạn tặng họ cái gì thì họ sẽ muốn chia sẻ với tất cả mọi người". Bà Thu sử dụng chất liệu sơn mài để vẽ các tác phẩm tranh:
"Với chất liệu sơn mài thì vác nặng, mài cực. Phụ nữ vẽ sơn mài khá khó khăn nhưng vì yêu nên tôi cứ làm. Có những bức tranh kích thước lớn thì tôi để ra giữa nhà hoặc dựng trên tường để vẽ".
Tranh Nét Tây Nguyên - Ảnh: HỒ LAM
Nể phục sức làm việc của một nữ họa sĩ sơn mài
Họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết rất nhiều họa sĩ thế hệ sau vẽ về đề tài Tây Nguyên rất mến mộ và nể phục sức làm việc bền bỉ của họa sĩ Xuân Thu:
Tranh Thiếu nữ Tây Nguyên 2 - Ảnh: HỒ LAM
"Chị Thu là người góp phần rất lớn và truyền lửa cho thế hệ tiếp theo muốn vẽ về Tây Nguyên như: Ái Vân, Kim Uyên...
Chị 'say' câu chuyện của làng và nó đi vào trái tim chị.
Chính chất liệu lộng lẫy, sâu lắng của sơn mài cùng trái tim nồng ấm với Tây Nguyên của họa sĩ Xuân Thu đã làm nên những bức tranh này".
Họa sĩ Lê Hùng cho rằng đề tài Tây Nguyên luôn có mặt trong các tác phẩm của Hồ Thị Xuân Thu:
"Hình tượng các cô gái bản địa, mái nhà rông, nhà sàn, những cây rừng của đại ngàn... luôn ám ảnh trong dòng cảm xúc thẩm mỹ của chị, trong sự cuồng si về hiện thực Tây Nguyên, về cao nguyên đại ngàn.
Những vũ điệu cồng chiêng, múa xoan được khắc họa chi tiết, chân thực, hòa quyện với kỹ thuật sơn mài tinh tế, thuần thục, tạo nên những mảng màu có hòa sắc lạ lẫm, gây những hiệu ứng thẩm mỹ ấn tượng".
Tranh Giao cảm - Ảnh: HỒ LAM